Chương 4: Đỗ lỗi cho giáo viên dạy khó hiểu

Nội dung chính:

Có phải chúng ta đã quen với môi trường thầy cô ráo riết, quan sát tận tâm và chịu trách nhiệm cho sự hiểu bài của mình từ ngày cấp 1, đi học thêm hay học ở các trung tâm tư nhân?

Có phải chúng ta vẫn đang quen với việc cô giáo hỏi “Đã hiểu chưa? Cô giảng lại nhé”

Có lẽ chúng ta vẫn còn quen với câu nói: “Ôi chỗ này cô có dạy đâu”.

Có lẽ chúng ta cũng chưa quen với văn hóa tự học, chưa học cách chịu trách nhiệm vì những gì sẽ đến với mình.

Nguyên lý:

  • Bản chất của giáo dục là tự học.
  • Đại học là tự học.
  • Bạn 18 tuổi, đủ điểm vào đại học, bạn đủ IQ để tự nghiên cứu, tự đọc, tự trả lời các câu hỏi.

 

 Câu chuyện của mình:

        Trước mình cũng từng có suy nghĩ hơi thất vọng về về sự nhiệt tình của giảng viên đại học trường mình. Chưa thấy ai thực sự nhiệt tình cả. Và kể cả cho tới bây giờ, khi mình là cô giáo, mình cũng cảm thấy, xưa những thầy cô mình được học chưa thực sự truyền cảm hứng cho mình. Nhưng cũng không có giây phút nào mình ngồi đổ lỗi cho họ. Có lẽ mình nên cảm ơn vì họ mà mình học cách tự lập, và tự túc với những gì mình có thể tiếp thu. Các cuốn sách chuyên ngành dày cộp, slide bài giảng lại theo ý cô giáo, nên đôi khi mình khá khó khăn trong việc tìm thêm tài liệu trên lớp. Sách nói một kiểu, cô nói một kiểu hoặc có thể do mình hiểu chưa đúng, mất một thời gian đầu mình khá là hoang mang, đặc biệt là ngôn ngữ sách viết cho sinh viên cũng trừu tượng hơn so với ngày cấp ba mình học. Không biết các bạn thế nào, nhưng mình rất thích học thời cấp ba, cả lớp được học cùng nhau, cùng vui, không phải đổi phòng đổi chỗ, quen bạn quen bè, còn trên đại học, học theo cơ chế tín chỉ, giáo viên chủ nhiệm thì mỗi năm gặp một lần, cũng chẳng có giờ sinh hoạt lớp, cũng không có lễ tổng kết mỗi kì, ai được được điểm cao điểm thấp thì cứ nhập mã sinh viên thì biết, không có sự vinh danh nhiều, nên đôi khi mình thấy môi trường đại học không truyền được cảm hứng cho mình lắm như ngày học ở cấp ba. Giảng viên cũng không hay hỏi để học sinh phát biểu, cũng không được thảo luận sôi nổi như xưa, lên đại học, lớp toàn người lạ cứ mỗi đứa một góc, ngồi bấm điện thoại, kết nối kém lắm, mỗi lớp một lớp trưởng nữa. Đó là cảm xúc của mình thời đó. Mình buồn lắm các bạn ạ. Nhưng rồi mình có còn lựa chọn nào nữa không? Thích nghi hay bất mãn đây? Mình tin có nhiều trong số các bạn bất mãn, đã có những người bạn của mình post stt nói rằng đại học chẳng như là mơ. Nhưng rồi, dù khó khăn bất mãn một chút, nếu chúng ta có ý chí chúng ta vẫn chiến thắng được tất cả. Mình nói rồi phải không? Vì thầy cô không thực sự sát sao, nên có lẽ mình đã học cách tự lập, từ những kì sau, mình kì vọng vào bản thân và năng lực tự học hơn, mình mua sách và slide tự nghiên cứu, chỗ nào không hiểu thì mình hỏi bạn, học cô trực tiếp từ giờ giải lao. Từ đó mình không bị hụt hẫng và thất vọng. Đến ngày hôm nay với khả năng tiếng Anh và lúc mình thi Toeic, mình cũng tự học, và thật may mình nhận ra, khi mình không còn phụ thuộc vào thầy cô nữa, mình sẽ có một người thầy vĩ đại hơn, là chính mình, là google, là sách.

 

Chỗ nào khó hiểu quá, mình sẽ lên google hỏi, thậm chí còn phải đọc sang cả bài giảng của những giảng viên trường khác để có cái nhìn đa chiều hơn. Hóa ra trên mạng chẳng thiếu gì cả, lại còn bài bản, miễn phí và không phiền đến ai. Từ đó mình âm thầm cảm ơn, và mình hiểu lý do vì sao các trường đại học để sinh viên tự thân vận động. Và đúng là tuổi này chúng ta nên ngừng lại việc chờ đợi ai đó mang tới cho mình cái gì.

Ở trên lớp, cô giáo giảng, lỡ vào phần khó, mình sẽ không ghi chép gì, mình ngồi yên nghe giảng mà đôi khi còn thấy khó hiểu, lát về mình mượn sổ bạn. Mình nghĩ trong quá trình đến lớp, mình sẽ nhận ra trọng tâm và giảng viên muốn nhấn mạnh trong môn đó. Và đúng là đôi khi có những cái cô giảng mình mới hiểu. Nhưng hiểu rồi cũng có thể quên mà, nhưng nếu bạn tự học, tự nghiên cứu và chịu khó tư duy, thì bất kì lúc nào bạn cũng có thể trở thành thầy của chính mình.

You learn by yourself!

Lời khuyên

  1. Hãy rèn luyện khả năng tự tư duy phân tích, đọc sách, và đặt câu hỏi cho những vấn đề bạn không hiểu, sau đó nhờ bạn bè thầy cô giải đáp hoặc lên mạng đọc những nguồn tài liệu khác nhau. Có đôi khi mình bị tắc ở một góc nào đó, nhưng mình đọc tài liệu của giảng viên trường Kinh tế Quốc dân mình hiểu ngay.
  2. Có 5 người thầy lớn trong cuộc đời mỗi người
  • Thầy giáo trên trường (nghĩa đen)
  • Bạn bè
  • Sách
  • Internet
  • Chính bạn

Trích sách” Phương pháp học Đại Học” 

Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn

    Vui lòng để lại thông tin để Nasao trực tiếp tư vấn cho bạn.