Trong bài này mình sẽ nói về: Tài liệu sử dụng, Phương pháp giải đề Cambridge, Kinh nghiệm làm bài và Chiến thuật cho từng dạng bài.
❤️ Đây là kinh nghiệm ôn thi của riêng mình nên bài viết chỉ mang tính tham khảo thôi nhé!
1. 📖 TÀI LIỆU SỬ DỤNG:
a) 📘Tài liệu giải đề:
Mình sử dụng bộ IELTS Cambridge huyền thoại như mọi người. Mình đánh giá đây là nguồn tài liệu tốt nhất để luyện đề. Các đề trong bộ này sát với đề thi thực tế, giúp các bạn quen với các dạng câu hỏi và tích lũy được vốn từ tốt. Một lý do quan trọng khác mà các bạn nên giải đề trong bộ này đó là nó đúng format của bài thi thật. Ví dụ khi làm đề trong đây chúng ta sẽ hiểu như thế nào thì chọn True, như thế nào là False và tại sao lại là Not Given. Một số tài liệu khác trên thị trường đôi khi bị sai format. Các bạn làm đề sai format khá nguy hiểm vì nó làm chúng ta suy luận SAI, sẽ khá mất công sửa về sau. Vậy nhé, hãy sử dụng IELTS Cambridge để giải đề. Bạn nên làm từ cuốn 7-14 nhé, vì nó cập nhật sát với đề thi hiện tại hơn.
❓ Lỡ như làm hết bộ IELTS Cambridge rồi thì sao? 👉 Thì làm lại. Bạn làm lại cuốn nào bạn đã làm cách đây tầm 4 tháng rồi, thử làm lại xem coi có tiến bộ gì so với lần làm trước không. Có câu nào cả 2 lần làm đều sai giống nhau không? Cá nhân mình làm bộ Cambridge 2-3 lần tùy cuốn, vì đây là nguồn tài liệu mình thấy hay và đáng tin cậy nhất. Các bạn nhớ ghi chú lại thành quả luyện tập của mình sau khi làm nhé.
❓ Bộ IELTS Cambridge có thể mua ở đâu? 👉 Bạn có thể mua sách bản đẹp ở các nhà sách hoặc mua online. Giá mỗi cuốn tầm 110-130k. Mình khuyến khích các bạn mua sách thật để đảm bảo nội dung không bị sai và chất lượng giấy tốt. Mua sách giả là giết sách thật. 😾
b)📒 Tài liệu đọc giải trí:
Nếu chỉ giải đề thôi thì có thể việc học Reading sẽ hơi khô khan. Các bạn có thể làm cho việc đọc thú vị hơn và giúp mình yêu kỹ năng Reading hơn bằng việc đọc các tài liệu tiếng Anh khác mà BẠN THÍCH. Hãy chọn nguồn đọc nào mà bạn cảm thấy hứng thú và muốn đọc để thư giãn trong lúc rảnh. Đó có thể là tạp chí, self-help books, tiểu thuyết hoặc thậm chí là truyện tranh. Đừng nên cố ép mình đọc những thứ quá khó và quá chán vì bạn khó lòng duy trì thói quen đọc tiếng Anh. Một số nguồn hay mình muốn giới thiệu với các bạn.
_ https://tuoitrenews.vn/
: báo Tuổi Trẻ thì chắc mọi người không ai xa lạ rồi. Hãy chuyển sang đọc phiên bản Tiếng Anh vì bạn vừa có thể cập nhật được tin tức hằng ngày vừa có thể luyện lên trình tiếng Anh nữa. Quá tiện đúng không nào. Đừng sợ những tin trên trang này không hợp gu của bạn, bạn được chọn lọc theo chủ đề mà mình thích (Du lịch, Chính trị, Khoa học…)
_ https://e.vnexpress.net/
: tương tự như Tuổi Trẻ, đây là một nguồn báo khá đáng tin cậy. Các tính năng trên trang này hầu như không khác so với báo Tuổi Trẻ.
_ https://qz.com/
: Một trong những trang được rất nhiều người khuyên dùng. Ưu điểm của qz hay còn được gọi là Quartz là cho phép bạn đăng ký nhận tin hằng ngày trên News feed của Facebook, và bạn tùy chọn chủ đề mà mình muốn nhận hằng ngày. Các bài trên qz dùng ngôn ngữ không quá khó đọc. Mỗi bài có độ dài vừa phải, bạn không phải lo kéo hoài không thấy hết trang.
_ https://www.newscientist.com/
: Nếu bạn thích các bài về khoa học (y học, công nghệ, vũ trụ…) thì có thể đọc trang này, những bài đọc ở đây nội dung cũng tương tự các bài đọc của IELTS. Trang này có 2 lựa chọn là free và bản trả phí. Bạn có thể đọc bản free thôi là được rồi vì nó cũng khá đầy đủ.
2.👨💻 PHƯƠNG PHÁP GIẢI ĐỀ CAMBRIDGE
❓ Giải đề thế nào cho hiệu quả? Đừng dừng lại ở việc làm xong rồi check đáp án, các bạn nên khai thác hết bộ đề này để lên trình. Mình thường làm như sau:
👨🏫Bước 1: Giải đề bấm giờ. Mình sẽ cố gắng xử lý trong thời gian cho phép là 60’. Câu nào khó mình đánh dấu lại.
👨🏫Bước 2: Mình sẽ dành nhiều thời gian kiểm tra lại các câu khó mà lần 1 mình đã đánh dấu. Sau đó mình mới check đáp án.
👨🏫Bước 3: Bước này và bước 4 theo mình là quan trọng nhất trong việc giúp mình tăng khả năng đọc. Mình sẽ xem những câu sai thì sai ở đâu (do tác giả paraphrase quá khéo, hay mình bị bẫy bởi cách dùng từ hoặc là mình tìm sai vị trí đáp án), mình sẽ ghi chú lại các lỗi ấy. Với những câu đúng mình cũng xem luôn tại sao lại đúng. Tác giả đưa ra câu hỏi thế nào và trong bài nó paraphrase thành gì.
👨🏫Bước 4: HỌC TỪ VỰNG. Bước này mình thấy khá nhiều bạn bỏ qua hoặc làm tương đối sơ sài. Mình có post hình sổ mình ghi chép từ vựng cho bạn tham khảo. Mình ghi chép và phân loại từ vựng thành 2 loại. Loại 1 có thể xài được trong Speaking hoặc Writing thì mình dành hẳn 1 trang để ghi định nghĩa, phát âm, 2-3 ví dụ về cách dùng từ đó. Loại 2 là từ vựng khó dùng được trong Speaking và Writing thì mình ghi chú ngắn gọn hơn, chủ yếu mình quan tâm về nghĩa của từ. Các bạn ôn từ vựng trong sổ thường xuyên để có thể nhớ được lâu. Đối với mình thì TỪ VỰNG là nền chính để bạn làm tốt reading, các tips chỉ là để bổ trợ mà thôi.
📔📕📗Học từ vựng sẽ hiệu quả hơn nếu như bạn sử dụng từ điển Anh – Anh. Từ điển Anh – Anh giúp bạn hiểu đúng từ đó hơn, ngoài ra còn cung cấp cho bạn cách sử dụng và các ví dụ về từ đó. Mình hay sử dụng từ điển Oxford để tra từ, bạn có thể cài từ điển này vào máy hoặc dùng bản online nhé. Kể từ năm 2020 thì Oxford có thêm tính năng phân loại độ khó của từ vựng giống như Cambridge – giúp các bạn biết từ nào được xếp vào dạng less common. Nếu không dùng Oxford thì các bạn có thể dùng Cambridge hoặc Longman cũng rất tốt. Còn từ điển Anh – Việt thì mình recommend từ điển Lạc Việt các bạn hen, bạn có thể tải miễn phí từ điển này ở App store hoặc Google play.
3. 🔎🔍 KINH NGHIỆM LÀM BÀI
Bên cạnh việc ghi chép từ vựng bạn cũng nên ghi chép lại cách xử lý các dạng bài, các bẫy thường thấy trong bài đọc. Một số kinh nghiệm như là đối với dạng True / False / Not Given thì các câu hỏi sẽ thường theo trình tự bài đọc, mình có thể dựa vào yếu tố này để giải nhanh. Ví dụ khi giải được câu 1 rồi thì câu 2 sẽ xuất hiện phía dưới câu 1. Còn đối với dạng bài Matching Headings thì không nên lao vào làm trước vì rất tốn thời gian, mình hay xử lý dạng bài này song song với các câu hỏi khác. Các câu hỏi có chứa mấy từ đặc biệt như: never, always, all, hoặc có so sánh nhất thì thường là mấy câu có bẫy, phải đọc cẩn thận. Các câu hỏi có chứa tên riêng, số liệu, ngày tháng năm, thuật ngữ khoa học thì mình thường ưu tiên làm trước, vì thông tin chứa những câu này rất dễ tìm vị trí trong văn bản. Các cách paraphrase quen thuộc trong các bài đọc, ví dụ câu hỏi có từ “dangerous” thì trong bài nó hay đổi thành: danger, hazardous, hazard, risky, risk… Mình lưu ý những điểm này để giải bài nhanh.
4. 💡💡 CHIẾN THUẬT CHO TỪNG DẠNG BÀI
Mỗi người sẽ có cách tiếp cận bài Reading khác nhau. Một số người chọn cách đọc dịch hết bài rồi mới trả lời câu hỏi. Đối với mình cách này không ổn, vì sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian, với lại một số thông tin chúng ta không cần phải đọc quá kỹ.
Khi làm mình đọc tiêu đề, sau đó đọc câu hỏi rồi mình mới quay lại bài đọc. Mình sẽ ưu tiên thứ tự của một số dạng bài, dạng câu hỏi nào nên làm trước, dạng nào nên để lại sau và những dạng nào nên giải song song. Các lưu ý về các dạng bài như True/False/Not Given thường đề bài sẽ bẫy thông tin gì, Matching Headings phải để ý chi tiết gì…
Vì phần chiến thuật này khá dài nên mình xin chia sẻ ở bài sau nhé!📣
……………………………
Chúc các bạn học và thi tốt!
Hưng Nguyễn nhóm Tự học học IELTS 9.0