Cách làm dạng bài FORM COMPLETION

Khi học IELTS, dạng bài Form completion (hoàn thành đơn) là một trong những dạng bài tập thường gặp nhất trong IELTS Listening Section 1 và Section 2, ít xuất hiện trong Section 3 và 4. Khi mới đọc đề bài, bạn sẽ tưởng chừng như Form Completion cũng tương tự như Sentence Completion (hoàn thành câu) hay Table Completion (điền vào bảng)…đều là điền vào chỗ trống. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ rằng, không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia thiết kế đề thi IELTS lại chia các dạng đề bài khác nhau. Mỗi dạng bài sẽ cần có chiến thuật làm bài phù hợp với yêu cầu của đề bài.

Như vậy dạng bài này yêu cầu các bạn vừa nghe, thu thập thông tin và điền từ hoặc chữ số vào những chỗ trống trong đơn. Nói cách khác, phương pháp nghe hiệu quả với dạng đề này là bạn phải nghe được thông tin bị thiếu do đề bài yêu cầu chứ không cần phải nghe toàn bộ bài nghe. Thông thường đề bài sẽ yêu cầu bạn điền vào chỗ trống từ 1 đến 3 từ, chữ số hoặc một dãy số (như số điện thoại, địa chỉ…).

Hôm nay, Anh ngữ Nasao sẽ chia sẻ cho các bạn những điều không thể không biết về IELTS Listening đối với dạng bài Form Completion này một cách rất chi tiết và cụ thể. Các bạn chú ý ghi chép lại cẩn thận nhé!

Dạng đề này kiểm tra kỹ năng nào của bạn?

Dạng Form Completion kiểm tra khả năng đoán từ bị thiếu cần điền vào chỗ trống, bao gồm xác định loại từ (danh từ, động từ hay tính từ) và chính tả. Các thông tin thiếu này thường là các thông tin quan trọng như tên, địa điểm, ngày, thời gian chi tiết và nhiều loại thông tin khác.

Như vậy, các bạn cần trang bị những kĩ năng cần thiết để phục vụ cho việc học IELTS Listening như sau:

  • Kỹ năng nghe tên địa danh và tên người.
  • Nghe thời gian, ngày, giờ.
  • Nghe số điện thoại, địa chỉ số nhà.
  • Nghe một đoạn đánh vần.
  • Kết hợp nghe và viết đúng những thông tin mình đã nghe vào giấy.

Qua thời gian luyện tập dần dần, các bạn sẽ trang bị được cho bản thân mình kỹ năng này. Ngoài ra, bạn còn có thể thu thập thêm kiến thức về cách làm bài thông qua đọc sách.

Chiến thuật làm bài Form Completion:

Chiến thuật là phương pháp hỗ trợ giúp bạn vận dụng những kỹ năng đã nêu ở phần trên hiệu quả hơn. Điều quan trọng vẫn nằm ở kỹ năng chứ không phải làm chiến thuật bởi tùy vào khả năng của mỗi người, việc sử dụng chiến thuật sẽ khác nhau. Hoặc khi học IELTS tại nhà, các bạn có thể tự luyện tập, sau đó tự rút ra chiến thuật cho riêng mình. Trong bài viết này, mình giới thiệu chiến thuật cơ bản để làm dạng Form Completion như sau:

Bước 1: Chú ý yêu cầu của đề bài:

Trước khi nghe đoạn hội thoại, bạn sẽ được nghe đoạn băng giới thiệu về đề bài. Trong đoạn băng này, bạn sẽ nắm được yêu cầu đề, topic và ví dụ của bài. Đây là yêu cầu bắt buộc với tất cả các dạng đề trong phần Listening, không chỉ riêng Form Completion.

Sau khi nghe đoạn giới thiệu, bạn đọc phần hướng dẫn trên đề thi, xem có yêu cầu gì đặc biệt hay không, ví dụ như “NO MORE THAN 3 WORDS”, tuân thủ yêu cầu đề bài là yếu tố quan trọng nhất để dành trọn điểm của cả bài, nhớ nhé!

Bước 2: Đọc các thông tin đã được cung cấp trong Form:

Một bài Form completion bao giờ cũng sẽ có tiêu đề của Form. Hãy đọc nó. Việc đọc tiêu đề kết hợp với luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn tưởng tượng trước được ngữ cảnh của bài mà bạn sắp được nghe.

Sau tiêu đề, hãy nhìn vào chỗ trống và  các thông tin xung quanh, để đoán xem nó là loại từ nào (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ), là tên riêng hay là số, dãy số. Trong trường hợp khả thi thì bạn còn có thể đoán được nghĩa của từ cần điền.

Nhớ, phải tập luyện nhiều thì sẽ mới có thể đọc nhanh để làm các bước trên được.

Bước 3: Keyword:

Trong một số trường hợp, xác định keyword từ các thông tin được cung cấp trong đề bài có thể giúp bạn nghe được thông tin dễ dàng hơn từ đoạn băng, vì keyword sẽ được lặp lại trong bài nghe.

Thế nhưng, đề bài sẽ không đơn giản như vậy, các keyword mà bạn lưu ý có thể đã bị paraphrase lại trong bài nghe, vì thế không nên chăm chăm vào tìm keyword trong lúc nghe mà nên hiểu yêu cầu đề, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Bước 4: Bắt tay vào làm bài:

Khi nghe được thông tin cần điền, bạn phải phản xạ thật nhanh, ngay lập tức viết thông tin nghe được vào giấy. Đặc biệt lưu ý nếu trong câu có 2 chỗ trống nằm cạnh nhau, các bạn phải luyện sao cho nhanh và không nên tốn quá nhiều thời gian để nghe thông tin của 1 ô trống vì sẽ khiến bạn không nghe được phần còn lại. Nếu lỡ bỏ sót 1 ô trống thì nên tập trung ngay vào nghe các phần tiếp theo thay vì hoảng hốt lo lắng để rồi bỏ lỡ cả bài nhé.

Một vài lưu ý khi làm bài:

  • Với các đơn vị đo lường, bạn không cần ghi đầy đủ như kiểu xentimét (centimetres) mà chỉ cần ghi cm (lưu ý, nếu trong form có ghi đơn vị ngay sau chỗ trống rồi thì đừng dại mà ghi thêm nhé). Đề thi cũng không yêu cầu bạn quy đổi các đơn vị đo lường với nhau (như: cm sang inches…).
  • Viết sai chính tả đều bị coi là không đúng. Vì thế, hãy dành ra 10 phút cuối để transfer (chuyển đáp án ra tờ giấy thi – answer sheet) để mà kiểm tra chính tả nhé. Không nên kiểm tra chính tả trong thời gian kết thúc các section 1,2,3 vì bạn sẽ không có thời gian đọc đề trước để biết về thông tin cần nghe của section tiếp theo.
  • Lưu ý quan trọng nhất, phải luyện tập thì các bạn mới nắm được cách làm. Việc tụi mình chia sẻ các chiến thuật giúp bạn làm bài tốt hơn nhưng vẫn sẽ là vô nghĩa nếu bạn không luyện tập gì.

Hi vọng rằng với những hướng dẫn trên đây, việc tự học IELTS của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chúc các bạn thành công!

Tags:
Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn

    Vui lòng để lại thông tin để Nasao trực tiếp tư vấn cho bạn.