Nội dung chính:
Trong tiếng Anh, “play” là một trong những động từ được sử dụng thường xuyên nhất để nói về thể thao. Tuy nhiên, trên thực tế không phải môn thể thao nào cũng đi chung với “play” với ý nghĩa là “chơi”. Một số môn thể thao có thể đi cùng với “play”, một số khác lại không. Chẳng hạn, ta có thể nói “play tennis” hoặc “play volleyball” nhưng không thể nói “play swimming” hay “play taekwondo” được. Yêu cầu phân biệt rõ ràng trong việc sử dụng động từ để nói về thể thao gây cho người học tiếng Anh sự bối rối không hề nhỏ. Do đó, để tự tin hơn khi bàn về thể thao, ta hãy cùng tìm hiểu cách dùng động từ play khi nói về thể thao, cũng như cách nói về những người chơi thể thao nhé.
MÔN NÀO “CHƠI” ĐƯỢC, MÔN NÀO KHÔNG?
Dưới đây là những môn thể thao có thể đi sau động từ “play”. Hãy chú ý để tìm ra điểm chung lớn nhất của những môn thể thao này nhé:
- basketball /ˈbæs.kət.bɑːl/: bóng rổ
- soccer hoặc football /ˈsɑː.kɚ/ hoặc /ˈfʊt.bɑːl/: bóng đá
- handball /ˈhænd.bɑːl/: bóng ném
- golf /ɡɑːlf/: gôn
- cricket /ˈkrɪk.ɪt/: bóng gậy
- baseball /ˈbeɪs.bɑːl/: bóng chày
- volleyball /ˈvɑː.li.bɑːl/: bóng chuyền
- tennis /ˈten.ɪs/: quần vợt
- table tennis hoặc ping-pong /ˈteɪ.bəl ˌten.ɪs/ hoặc /ˈpɪŋ.pɑːŋ/: bóng bàn
- badminton /ˈbæd.mɪn.tən/: cầu lông
- hockey /ˈhɑː.ki/: khúc côn cầu
- squash /skwɑːʃ/: bóng quần/tennis chơi trong nhà
- rugby /ˈrʌɡ.bi/: bóng bầu dục
- petanque: bi sắt
- billiards /ˈbɪl.jɚdz/: môn bi-da
- bowling /ˈboʊ.lɪŋ/: môn bóng gỗ
- croquet /kroʊˈkeɪ/: Crôkê/bóng cửa
Sau khi đọc qua hàng loạt các môn thể thao trên, ta có thể nhận ra: động từ “play” đứng trước những môn thể thao trong đó người chơi tiếp xúc trực tiếp với “bóng” – “ball” như bóng đá, bóng chuyền, bowling hoặc sử dụng dụng cụ để tác động vào bóng (vợt, gậy) như bóng chày, cầu lông, bi-da, …
Ngoài ra, động từ “play” còn có thể đi chung với những bộ môn không sử dụng bóng làm dụng cụ nhưng lại mang ý nghĩa thi đấu “thắng – thua”, xem người chơi cùng là đối thủ. Sau đây là vài ví dụ cho ta thấy có những bộ môn không cần “bóng” cũng có thể “chơi”:
- play chess: đánh cờ
- play cards: đánh bài
- play mahjong: đánh mạt chượt
- play darts: ném phi tiêu
- play dominoes: chơi đô-mi-nô
- play monopoly: đánh cờ tỷ phú
- play tic-tac-toe: đánh cờ ca-rô
KHÔNG “PLAY” ĐƯỢC THÌ DÙNG ĐỘNG TỪ GÌ?
Khi nói về những môn thể thao khác, ta có thể dùng động từ “do”, “go” + tên môn thể thao. Trong đó: “DO” đi chung với một môn thể thao không sử dụng bóng, có thể tự thân tập luyện mà không cần đồng đội hay đối thủ, đặc biệt là những môn võ thuật.
Ví dụ:
1. Annie spends one hour doing yoga every morning.
(Annie dành một tiếng đồng hồ để tập yoga vào mỗi buổi sáng)
2. Mary used to do aerobics when she was in high school.
(Mary từng tập thể dục nhịp điệu khi còn học trung học)
3. My stamina has considerably improved since I began doing karate.
(Thể lực của tôi tăng đáng kể từ khi bắt đầu luyện võ karate)
“GO” lại đi chung với những hoạt động hoặc những môn thể thao tạo thành bởi động từ + ing. Sở dĩ ta sử dụng động từ “GO” cho những môn này là vì ta cần phải đi đến một nơi nào đó để có thể tập luyện chúng.
Ví dụ:
1. One of the reasons to go cycling is that it helps avoid traffic jam.
(Một trong những lý do để đi xe đạp chính là nó giúp tránh kẹt xe)
2. Stretching is extremely essensial when you go swimming.
(Duỗi cơ là cực kỳ cần thiết khi bạn đi bơi).
3. If you want to test how patient you can be, go fishing.
(Nếu bạn muốn thử xem mình kiên nhẫn đến đâu, hãy đi câu cá).
Có thể thấy, những hoạt động như cycling, swimming, fishing, … ta không thể thực hiện hay luyện tập ngay tại chỗ được mà trước hết phải đi đến một nơi nào đó (công viên, hồ bơi, sông, suối, …)
Cách 1: Với những môn thể thao đi cùng với động từ “play”, cách đơn giản nhất chính là thêm hậu tố -er vào sau “play” để tạo thành danh từ “player”. Lúc này, “player” sẽ đứng sau bộ môn thể thao, và mang nghĩa là người chơi, hoặc vận động viên của bộ môn đó.
Ví dụ:
Tennis (môn quần vợt) + player = tennis player (tay vợt)
Volleyball (bóng chuyền) + player = volleyball player (vận động viên bóng chuyền)
Soccer (bóng đá) + player = soccer player (cầu thủ)
Ping-pong (bóng bàn) + player = ping-pong player (người chơi bóng bàn)
Cách 2: Có thể thêm “-er” hoặc “-ist” (hậu tố tạo danh từ chỉ người) vào ngay sau môn thể thao đó. Cách này có thể dùng cho những môn không đi được với động từ “play”.
Ví dụ:
Golf (môn golf) + “-er” = golfer (tay golf)
Football (môn bóng đá) + “er” = footballer (cầu thủ)
Cycling (đi xe đạp) + “ist” = cyclist (cua rơ/ vận động viên đua xe đạp/ người đi xe đạp)
Swimming (môn bơi lội) + “er” = swimmer (vận động viên bơi lội/ kình ngư)
Wretsling (môn đấu vật) + “er” = wrestler (đô vật)
Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về những động từ phổ biến sử dụng khi nói về thể thao. Quan trọng hơn hết, bạn sẽ nắm rõ động từ “play” được sử dụng cho môn thể thao nào và cách tạo ra danh từ để gọi người chơi môn thể thao đó. Các bạn hãy tự đặt câu với những môn thể thao và động từ này để hiểu kỹ, nhớ lâu và sử dụng chúng một cách thành thạo nhé. Chúc các bạn học tốt!
Edit: Quỳnh Phạm