Nội dung chính:
Phát âm tiếng Anh là kiến thức cơ bản quan trọng giúp học tốt tiếng Anh. Vậy, làm cách nào để phát âm chính xác? Ở bài viết này, Anh ngữ Nasao xin chia sẻ cách phát âm 44 âm cơ bản trong tiếng Anh. Nắm được kiến thức này, mình tin bạn có thể cải thiện kỹ năng nghe nói tiếng Anh nhanh chóng.
44 âm cơ bản trong tiếng Anh
Âm trong tiếng Anh có 2 loại: nguyên âm và phụ âm. Mỗi loại có cách sắp xếp vị trí và cách phát âm khác nhau:
– Các nguyên âm : /ʌ/, /ɑ:/, /æ/, /e/, /ə/, /ɜ:/, /ɪ/, /i:/, /ɒ/, /ɔ:/, /ʊ/, /u:/, /aɪ/, /aʊ/, /eɪ/, /oʊ/, /ɔɪ/, /eə/, /ɪə/, /ʊə/
– Các phụ âm : /b/, /d/, /f/, /g/, /h/, /j/, /k/, /l/, /m/, /n/, /ŋ/, /p/, /r/, /s/, /ʃ/, /t/, /tʃ/, /θ/, /ð/, /v/, /w/, /z/, /ʒ/, /dʒ/
Cách phát âm 44 âm cơ bản trong tiếng Anh
1. ÂM /i:/
– Hình dáng của môi: Không tròn môi, miệng mở rộng sang hai bên, khoảng cách môi trên và môi dưới hẹp
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Phía đầu lưỡi cong, đưa lên gần ngạc trên, lưỡi chạm vào hai thành răng trên
– Độ dài của âm: Âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản, có thể kéo dài
2. ÂM /ɪ/
– Hình dáng của môi: Không tròn môi, miệng mở rộng sang hai bên nhưng không rộng bằng âm /i:/, khoảng cách môi trên và môi dưới mở hơn một chút so với âm /i:/
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng, nhưng hơi lùi về sau hơn âm /i:/
– Độ cao của lưỡi: Phía đầu lưỡi cong nhẹ, đưa lưỡi lên cao gần ngạc trên
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
3. ÂM /e/
– Hình dáng của môi: Miệng mở khá rộng sang hai bên, hàm dưới đưa xuống một chút
– Hướng đưa của lưỡi : Mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Mặt lưỡi nằm khoảng giữa trong khoang miệng
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
4. ÂM /æ/
– Hình dáng của môi: Miệng mở rộng sang hai bên hết cỡ, hàm dưới đưa xuống hết cỡ
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Cuống lưỡi đưa xuống thấp gần ngạc dưới
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
5. ÂM /ɜ:/
– Hình dáng của môi: Môi, miệng và hàm mở tự nhiên, thoải mái
– Hướng đưa của lưỡi: Lưỡi để tự nhiên, thoải mái như khi phát âm các nguyên âm trong tiếng Việt
– Độ cao của lưỡi: Mặt lưỡi nằm khoảng giữa trong khoang miệng
– Độ dài của âm: Âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản, có thể kéo dài
6. ÂM /ə/
– Hình dáng của môi: Môi, miệng và hàm mở tự nhiên, thoải mái
– Hướng đưa của lưỡi: Lưỡi để tự nhiên, thoải mái như khi phát âm các nguyên âm trong tiếng Việt
– Độ cao của lưỡi: Mặt lưỡi nằm khoảng giữa trong khoang miệng, thấp hơn một chút so với âm /ɜː/
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
7. ÂM /ʌ/
– Hình dáng của môi: Miệng mở khá rộng, hàm dưới đưa xuống thoải mái, tự nhiên.
– Hướng đưa của lưỡi: Lưỡi để tự nhiên, thoải mái như khi phát âm các nguyên âm trong tiếng Việt; hơi đưa về phía sau so với âm /æ/
– Độ cao của lưỡi: Cuống lưỡi đưa xuống thấp gần ngạc dưới
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
8. ÂM /u:/
– Hình dáng của môi: Môi mở tròn, hướng ra ngoài
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa sâu vào trong khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Phía cuống lưỡi cong, đưa lên cao gần ngạc trên
– Độ dài của âm: Âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi từ phía trong miệng ra tự do không bị cản, có thể kéo dài
9. ÂM /ʊ/
– Hình dáng của môi: Môi mở khá tròn, hướng ra ngoài, bè hơn một chút so với âm /u:/
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa khá sâu vào trong khoang miệng, không sâu bằng âm /u:/
– Độ cao của lưỡi: Phía cuống lưỡi cong, đưa lên cao gần ngạc trên, thấp hơn âm /u:/ một chút
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi từ phía trong miệng ra tự do không bị cản.
10. ÂM /ɔ:/
– Hình dáng của môi: Môi mở thật tròn, cả môi trên và môi dưới hướng ra ngoài, hàm dưới đưa xuống
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa sâu vào trong khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Phía cuống lưỡi nằm khoảng giữa trong khoang miệng, phía đầu lưỡi đưa thấp xuống
– Độ dài của âm: Âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi từ phía trong miệng ra tự do không bị cản, có thể kéo dài.
11 ÂM /ɒ/
– Hình dáng của môi: Môi mở khá tròn, môi dưới hướng ra ngoài, hàm dưới đưa xuống
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa sâu vào trong khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Phía đầu lưỡi đưa xuống thấp gần ngạc dưới, thấp hơn một chút so với âm /ɔ:/
– Độ dài của âm: Âm ngắn. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi ra tự do không bị cản.
12. ÂM /ɑ:/
– Hình dáng của môi: Môi mở thật rộng, hàm dưới đưa xuống một chút
– Hướng đưa của lưỡi: Mặt lưỡi đưa sâu vào trong khoang miệng
– Độ cao của lưỡi: Phía cuống lưỡi đưa xuống thấp gần ngạc dưới
– Độ dài của âm: Âm dài. Khi phát âm, dây thanh rung, luồng hơi đi từ phía trong miệng ra tự do không bị cản, có thể kéo dài.
13. ÂM /ɪə/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm trước /ɪ/ sang âm giữa /ə/. Khi bắt đầu, miệng mở rộng sang hai bên, ngay sau đó, miệng hơi khép lại, môi mở ra tự nhiên.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng và hướng lên trên, ngay sau đó, đưa lưỡi lùi vào giữa khoang miệng.
14. ÂM /eə/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm trước /e/ sang âm giữa /ə/. Khi bắt đầu, miệng mở rộng sang hai bên, hàm dưới đưa xuống một chút, ngay sau đó, miệng hơi khép lại, môi mở ra tự nhiên.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa ra phía trước và nằm ở giữa khoang miêng, ngay sau đó, đưa lưỡi lùi vào giữa khoang miệng.
15. ÂM /ʊə/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm sau /ʊ/ sang âm giữa /ə/
Khi bắt đầu, môi mở khá tròn, hơi bè, hướng ra ngoài, ngay sau đó, miệng hơi mở ra.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa vào phía trong khoang miệng và hướng lên gần ngạc trên, ngay sau đó, đưa lưỡi lùi về giữa khoang miệng.
16. ÂM /eɪ/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm trước /e/ sang âm trước /ɪ/
Khi bắt đầu, miệng mở rộng sang hai bên, hàm dưới đưa xuống một chút, ngay sau đó, hàm dưới khép lại, miệng vẫn mở rộng sang hai bên.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa ra phía trước và nằm ở giữa khoang miệng, ngay sau đó, đưa lưỡi lên gần ngạc trên, vẫn hướng ra phía trước.
17. ÂM /aɪ/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm sau /a:/ sang âm trước /ɪ/
Khi bắt đầu, miệng mở rộng hết cỡ, hàm dưới đưa xuống hết cỡ, ngay sau đó, hàm dưới khép lại, miệng mở rộng sang hai bên.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa vào trong khoang miệng và phía cuống lưỡi đưa xuống thấp gần ngạc dưới, ngay sau đó, đưa lưỡi ra phía trước khoang miệng và hướng lên gần ngạc trên.
18. ÂM /ɔɪ/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm sau /ɔ:/ sang âm trước /ɪ/
Khi bắt đầu, miệng mở thật tròn, hàm dưới đưa xuống, ngay sau đó, hàm dưới khép lại, miệng mở rộng sang hai bên.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa vào trong khoang miệng và nằm ở giữa khoang miệng, ngay sau đó, đưa lưỡi ra phía trước khoang miệng và hướng lên gần ngạc trên.
19. ÂM /aʊ/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm trước /æ/ sang âm sau /ʊ/
Khi bắt đầu, miệng mở rộng sang hai bên hết cỡ, hàm dưới đưa xuống hết cỡ, ngay sau đó, hàm dưới khép lại, miệng mở tròn.
– Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi đưa ra phía trước khoang miệng và đưa xuống thấp gần ngạc dưới, ngay sau đó, đưa lưỡi vào trong khoang miệng và hướng lên gần ngạc trên.
20. ÂM /əʊ/
– Hình dáng của miệng: Chuyển từ âm giữa /ɜ:/ sang âm sau /ʊ/
Khi bắt đầu, môi, miệng và hàm mở tự nhiên, thoải mái, ngay sau đó, hàm dưới khép lại, miệng mở tròn.
Hướng đưa của lưỡi: Khi bắt đầu, mặt lưỡi nằm ở khoảng giữa trong khoang miệng, ngay sau đó, đưa lưỡi vào trong khoang miệng và hướng lên gần ngạc trên.
21. ÂM /p/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, hai môi mím lại thật chặt, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, hai môi mở ra thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
22. ÂM /b/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, hai môi mím lại thật chặt, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, hai môi mở ra thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
23. ÂM /f/
– Vị trí cấu âm: Răng cửa trên chạm vào môi dưới.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa môi và răng.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
24. ÂM /v/
– Vị trí cấu âm: Răng cửa trên chạm vào môi dưới.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa môi và răng.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
25. ÂM /h/
– Vị trí cấu âm: Lưỡi không chạm vào ngạc trên của miệng.
– Phương thức cấu âm: Nhanh chóng đẩy thật nhiều luồng hơi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
26. ÂM /j/
– Vị trí cấu âm: Miệng mở sang hai bên, lưỡi đưa ra phía trước, giống như khi phát âm /i:/
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, từ từ hạ lưỡi và hạ cằm xuống và phát âm /ə/. Lưỡi có cảm giác rung khi phát âm. Chú ý không chạm lưỡi vào ngạc trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
27. ÂM /k/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, cuống lưỡi chạm vào phía trong của ngạc trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, lưỡi hạ xuống thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
28. ÂM /g/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, cuống lưỡi chạm vào phía trong của ngạc trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, lưỡi hạ xuống thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
29. ÂM /l/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi uốn cong chạm vào ngạc trên, ngay sau răng cửa.
– Phương thức cấu âm: Luồng hơi đi xung quanh mặt lưỡi.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
30. ÂM /m/
– Vị trí cấu âm: Hai môi mím lại để chặn luồng hơi đi vào miệng.
– Phương thức cấu âm: Luồng hơi từ mũi đi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
31. ÂM /n/
– Vị trí cấu âm: Lưỡi chạm vào ngạc trên, ngay sau răng cửa, để chặn luồng hơi đi vào miệng.
– Phương thức cấu âm: Luồng hơi từ mũi đi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
32. ÂM /ŋ/
– Vị trí cấu âm: Miệng mở, cuống lưỡi chạm vào ngạc trên để chặn luồng hơi đi vào miệng.
– Phương thức cấu âm: Luồng hơi từ mũi đi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
33. ÂM /r/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi lùi vào phía trong khoang miệng. Hai cạnh lưỡi chạm vào hai bên hàm răng trên.
– Phương thức cấu âm: Luồng hơi đi trong miệng và lưỡi có cảm giác rung khi phát âm. Chú ý đầu lưỡi không chạm vào ngạc trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
34. ÂM /s/
– Vị trí cấu âm: Lưỡi chạm vào mặt trong của răng cửa trên, đầu lưỡi đưa ra ngoài gần chạm vào ngạc trên.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và răng cửa trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
35. ÂM /z/
– Vị trí cấu âm: Lưỡi chạm vào mặt trong của răng cửa trên, đầu lưỡi đưa ra ngoài gần chạm vào ngạc trên.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và răng cửa trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
36. ÂM /ʃ/
– Vị trí cấu âm: Mặt lưỡi chạm vào hai hàm răng trên, đầu lưỡi hơi cong và đưa vào trong khoang miệng một chút.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và hàm răng trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
37. ÂM /ʒ/
– Vị trí cấu âm: Mặt lưỡi chạm vào hai hàm răng trên, đầu lưỡi hơi cong và đưa vào trong khoang miệng một chút.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và hàm răng trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
38. ÂM /t/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, lưỡi chạm vào mặt trong của răng trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, lưỡi hạ xuống thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
39. ÂM /d/
– Vị trí cấu âm: Khi bắt đầu, lưỡi chạm vào mặt trong của răng trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, lưỡi hạ xuống thật nhanh để luồng hơi thoát ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
40. ÂM /tʃ/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi chạm vào ngạc trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Hạ lưỡi xuống và từ từ đẩy luồng hơi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
41. ÂM /dʒ/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi chạm vào ngạc trên, luồng hơi đẩy ra phía trước khoang miệng.
– Phương thức cấu âm: Hạ lưỡi xuống và từ từ đẩy luồng hơi ra ngoài.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
42. ÂM /θ/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và răng cửa dưới.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và răng cửa trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh không rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ rung.
43. ÂM /ð/
– Vị trí cấu âm: Đầu lưỡi đặt vào giữa răng cửa trên và răng cửa dưới.
– Phương thức cấu âm: Đẩy luồng hơi từ từ ra ngoài qua khe giữa đầu lưỡi và răng cửa trên.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay lên cổ họng để kiểm tra. Hoặc: Nếu bạn cầm một mảnh giấy phía trước miệng khi đẩy luồng hơi ra ngoài, mảnh giấy sẽ không rung.
44. ÂM /w/
– Vị trí cấu âm: Môi mở tròn, hơi hướng ra ngoài, giống như khi phát âm /u:/
– Phương thức cấu âm: Ngay sau đó, từ từ hạ hàm dưới xuống và phát âm /ə/. Lưỡi có cảm giác rung khi phát âm.
– Đặc tính dây thanh: Khi phát âm, dây thanh rung. Bạn có thể đặt ngón tay cổ họng để cảm nhận độ rung.
Trên đây là cách phát âm 44 âm cơ bản trong tiếng Anh. Chúc bạn sớm phát âm tiếng Anh thành công.