Hãy lắng nghe tôi, ngay từ dòng đầu tiên của bài viết này, với tư cách là một người đã quyết định học Tiếng Anh và đã đạt được thành quả, tôi muốn chia sẻ cho các bạn chút ít về cái mà chúng ta hay tư duy theo kiểu: ” Đó là vấn đề của riêng mình”. Thực ra thì điều đó khá là bình thường. Ở đây, để cụ thể hơn, tôi sẽ chỉ nói riêng theo khía cạnh học Tiếng Anh mà thôi.
Khi tôi tư vấn cho một học viên mới học thử vài buổi, đó là một bạn nữ 15 tuổi, đang chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp của em ấy. Em nói với tôi rằng ở lớp em học tốt tiếng Anh, kiểm tra trung bình luôn được trên 8 điểm. Gia cảnh nhà em thuộc mức bình thường. Mẹ em bán hàng, còn bố em đi xuất khẩu lao động đã được vài năm. Em mong muốn được nắm chắc hơn kiến thức về ngoại ngữ cũng như tương lai sẽ có thể đi thi lấy bằng, chứng chỉ. Quả là một cô bé biết suy nghĩ. Tôi cảm thán như thế. Vì ở tuổi của em, tôi không hề có ý định sẽ học giỏi tiếng Anh, tôi coi đó là chuyện tương lai, hôm nay không nhất thiết phải làm ngay lập tức. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện, về dự định của em, về ước mơ của em, rất nhiều. Em tỏ ra hiểu biết và ngoan ngoãn, hoàn thành đầy đủ những bài tập mà tôi giao và luôn khen ngợi những lời khuyên nhủ của tôi dành cho em. Ngay tại đây, bạn nghĩ tôi sẽ có bao nhiêu phần trăm để có thể thuyết phục em đăng kí học ở trung tâm? Riêng trong suy nghĩ của mình, đến bây giờ, tôi biết chỉ có vỏn vẹn 10%. Tất cả những gì tôi cho em đều là những kiến thức tuyệt vời, những lời tư vấn trân thành và một lòng sẵn sàng chỉ bảo. Tôi cho em niềm tin và một tấm gương để noi theo. Nhưng có một điều tôi không thể cho em. Điều này rất thực dụng, nhưng nó mang tính thực tế “ngay lập tức”. Tại sao lại là thực tế “ngay lập tức”? Chẳng lẽ những điều tôi cho em là không thực tế ư ? Không! Nó rất thực tế. Nhưng đó là thực tế ở quá khứ và tương lai. Không đủ để khiến em phải lo lắng như vấn đề hiện tại của em.
Đó chính là tiền bạc.
Một chứng chỉ TOEIC, một khả năng giao tiếp ngoại ngữ, một cơ hội rộng mở khi em học hết cấp 3, tất cả đều đáp ứng ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch của em. Nhưng em từ chối cánh cửa này. Em nói số tiền quá lớn khiến mẹ em không yên tâm, và đáng buồn hơn em nói rằng họ hàng em bảo không nên học ở trung tâm xa, nhất là bằng hình thức online.
Có lẽ họ thực lòng lo lắng cho em cũng như nỗi lo sợ của mẹ em vô cùng dễ hiểu. So với tính thực tế “tương lai” là bằng TOEIC thì tính thực tế”ngay lập tức ” là tiền học phí mà em phải trả tác động và khiến em suy nghĩ nhiều hơn. Em trăn trở vô cùng, lo lắng xin lỗi tôi vì hứa hẹn mà lại bỏ cuộc, bố em đi làm xa, kinh tế lúc này không phải vấn đề dễ dàng với gia đình em. Vậy nên em bỏ lỡ.
Khi chia tay em, tôi đã biết có lẽ 3 hoặc 4 năm nữa, em sẽ phải mất nhiều hơn số tiền bây giờ rất nhiều để học tiếng Anh. Không biết lúc ấy những người họ hàng còn lo cho gia đình em nữa không? Hay mẹ em lại phải gánh cả tiền học đại học kèm theo tiền học ngoại ngữ của em nữa. Hơn hết, ngày nay các trường đại học đang đề cao việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, giả sử như em không đi tham khảo thêm bất cứ trung tâm tiếng Anh nào khác vì lo sợ học phí thì em sẽ bỏ lỡ 2 đến 3 năm học tiếng Anh của mình. Suy cho cùng, dần theo năm tháng thì vấn đề của em sẽ chỉ càng lớn lên chứ không hề giảm đi một chút nào. Và nói theo một cách phũ phàng, khi đó những người họ hàng ngăn cản em ngày hôm nay cũng không hề chịu trách nhiệm về sự tổn thất thời gian đáng buồn hay gánh giúp mẹ em bất cứ khoản kinh tế nào. So với một người từng trải như tôi và những người chưa bao giờ đánh vần nổi một phiên âm tiếng Anh, thì em chọn nghiêng theo vế thứ 2. Phải, vì họ thân quen với em hơn, nhưng em ơi, sự thân quen như thế không đem lại cho em thành công thực sự được. Không bao giờ. Khi tôi bắt đầu học, tôi cũng phải đối diện với vấn đề kinh tế. Khi học viên ở đây bắt đầu học, kể cả nhà họ là hộ nghèo, kể cả bố mẹ họ không toàn vẹn, họ vẫn phải đối mặt với vấn đề kinh tế.
Nhiều người nói cuộc sống không công bằng, nhưng đó là bởi họ nhìn nó bằng con mắt của một kẻ luôn than thở vì thiệt thòi. Ngược lại, dù gia cảnh không khấm khá bằng em học viên kia của tôi, nhưng những học viên ở đây vẫn quyết định theo học, và bây giờ, bù lại với khoản “tổn thất” kinh tế đó, họ có lại kiến thức không bao giờ mất đi. Khi đó, họ thấy cuộc sống rất công bằng. Em học viên đó thấy kinh tế khó khăn vì em nhìn việc học tiếng Anh của mình thành một bức tường tiền bạc khó vượt qua. Em không nhìn thấy cơ hội rạng ngời khi em vượt qua bức tường ấy là gì. Rất nhiều người khác cũng vậy. Cuối cùng thì đấy chính là một trong những sự khác biệt của người thành công và phần còn lại.
Vượt qua vấn đề kinh tế bình thường kia, kể cả hôm nay bạn thất tình, bạn mất đi người thân yêu, bạn thất bại trong sự nghiệp. Đó cũng không phải vấn đề đặc thù của riêng bạn. Thế giới 8 tỷ người, và bạn chỉ là một hạt cát trong số đó. Hãy thôi việc lắng nghe những điều tiêu cực và than thở về vấn đề của bản thân đi. Bạn luôn có quyền lựa chọn để quyết định. Vậy thì hãy nhìn thế giới bằng con mắt của một người thiếu xót và luôn khát khao chinh phục những thử thách mới. Nếu không thích thất bại, vậy đừng chọn cách cảm nhận mọi thứ theo chiều hướng thất bại. Chúng ta cần sống cho tương lai chứ không phải cứ mãi lo lắng về một vấn đề mà ta biết trong tương lai ta vẫn luôn gặp phải. Hãy giải quyết nó, ngay bây giờ.
Tâm Vũ.